Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tỉnh Bình Định, số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước trong tỉnh còn cao: năm 2016 có 38 trẻ, năm 2017 có 33 trẻ và năm 2018 có 24 trẻ. Tình hình đuối nước vẫn diễn biến phức tạp trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có 9 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, các trường hợp tử vong đa số do trẻ tự tìm đến vùng sông, suối, các hố sâu chơi đùa, nghịch nước mà không có sự giám sát của người lớn. Ngày 17/3/2019, UBND xã Cát Trinh huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, trên địa bàn xã đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu bé tử vong gồm: T.H.N (6 tuổi); T.L.A.Q. (11 tuổi) và T.L.A.Q (7 tuổi, là 2 anh em ruột). Theo người nhà, 3 cháu rủ nhau ra bờ mương để tắm và bắt cá nhưng gặp chỗ nước sâu, các cháu lại không biết bơi nên đã xảy ra tai nạn chết đuối. Ngày 30/5 vừa qua, trên địa bàn khối 5, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) xảy ra 1 vụ đuối nước làm cháu L.Q.H. (5 tuổi, ở khối Hòa Lạc) và cháu N.T.K. (4 tuổi, ở khối Phú Xuân) tử vong…
Đứng trước tình hình trên, ở hiện tại cha mẹ và thầy cô nên có những kinh nghiệm dạy dỗ con trẻ như thế nào? Hãy thử tham khảo nguyên nhân và những giải pháp bên dưới nhé!
Nguyên nhân đuối nước ở học đường
· Thường đuối nước hay xảy ra do bản tính hiếu động, tò mò, tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình
Trẻ em hiện nay phần lớn là không biết bơi lội, có 1 số ít biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn. Vậy nên thường đuối nước hay xảy ra do bản tính hiếu động, tò mò, tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình.
Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước,… không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước,… không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm.

Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người,… đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu,… không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.
· Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, hoặc trẻ em ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm; ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước; lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi,…
· Chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.
· Trẻ chết đuối vì người lớn lơ là đuối nước đang gia tăng trong cộng đồng do nhiều nguyên nhân như môi trường không an toàn, người lớn chưa giám sát trẻ một cách chặt chẽ, kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân còn hạn chế, nhiều trẻ không biết bơi,…
Cách phòng tránh tai nạn đuối nước phổ biến hiện nay

Phòng tránh tai nạn đuối nước ở học đường hiện nay có rất nhiều cách để thầy cô, bố mẹ trẻ tham khảo. Một trong những biện pháp được thực hiện phổ biến hiện nay đó chính là:
· Những em nhỏ mắc bệnh hen phế quản; bệnh đường hô hấp mãn tính; viêm mũi dị ứng; viêm xoang, viêm dị ứng; không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi.
· Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi bơi phụ huynh cần lưu ý cho trẻ đi khám bác sĩ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không.
· Bên cạnh đó, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy trẻ biết bơi.
· Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người đuối nước phù hợp với lứa tuổi.
· Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.
· Đối với các bể bơi, cần lưu ý các em chỉ bơi những nơi có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.
· Khi trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
· Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
· Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy hoặc như mặc áo phao.
· Dạy trẻ khi phát hiện thấy người bị ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt,…
· Dạy trẻ hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bò kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn.
· Dạy trẻ nếu như có gặp tình trạng người bị đuối nước, tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu như bản thân của mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì nếu như nhảy xuống cứu người khác, bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.
Bài viết trên chúng tôi đã cung cấp đến cho bạn những nguyên nhân và cách phòng tránh tai nạn đuối nước ở học đường. Hy vọng thầy cô và bố mẹ của bé sẽ tham khảo thông tin trên và tìm hiểu nhiều thông tin khác để có thể bảo vệ bé tránh tình trạng đuối nước xảy ra. Hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ thật chu đáo để những tình trạng đáng tiếc không xảy ra.