Trưa 3-8, BS.CKII Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố – cho biết vừa cứu sống bệnh nhi P.N.N.Y. (nữ, 9 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) bị điện giật khi chạm tay vào chuôi bóng đèn. Theo người nhà của bệnh nhi, trong lúc bé đang tập đi trên xe nôi và khi tới bàn thờ thì chạm tay vào chuôi bóng đèn khoảng 15-20 giây. Mẹ bé Y. phát hiện thì bé đã ngất đi, tay còn cầm chuôi bóng điện. Hoảng hồn, gia đình lập tức ngắt điện và đưa bé Y. đến bệnh viện địa phương trong thời gian 3-4 phút. Nhanh chóng, bệnh nhi được các bác sĩ cấp cứu ấn tim và bóp bong bóp qua mask mũi, miệng khoảng 30 phút. Bệnh nhi thở lại và được chuyển đến bệnh viện tỉnh để tiếp tục sơ cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố trong tình trạng hôn mê, co giật.
Đứng trước tình hình trên, cha mẹ và thầy cô nên có những kinh nghiệm dạy dỗ con trẻ như thế nào để phòng tránh tai nạn điện giật ở trẻ em? Hãy thử tham khảo nguyên nhân và những giải pháp bên dưới nhé!
Nguyên nhân gây tai nạn điện giật ở trẻ em
Hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bé bị điện giật, có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến bé. Sau đây là một số nguyên nhân cơ bản mà bé dễ gặp phải như sau:

· Do tiếp xúc trực tiếp với các vật mang điện
· Chạm trực tiếp vào dây dẫn trần hoặc dây dẫn bị hở điện
· Sử dụng thiết bị điện bị rò rỉ điện ra vỏ kim loại
· Sửa chữa điện không đóng ngắt nguồn điện
· Do vi phạm khoảng cách an toàn với lưới điện cao áp và trạm biến thế. Đối với những đường dây cao áp hay điện áp cao. Điện phóng ra ngoài không khí, khi đến gần cho dù chưa tiếp xúc trực tiếp nhưng với khoảng cách tiếp xúc đủ nhỏ thì sẽ có hiện tượng phóng điện cao áp. Dòng điện qua cơ thể lớn và gây hậu quả nghiêm trọng.
· Phóng điện hồ quang khi đóng cắt của máy cắt điện, cầu dao điện có tải lớn hay khi ngắn mạch,… Các tia hồ quang sinh ra có nhiệt độ rất lớn. Nếu người ở trong phạm vi ảnh hưởng của hồ quang điện sẽ bị bỏng nặng và bỏng sâu. Rất khó có thể chữa trị khỏi.
· Một nguyên nhân nữa đó là do tiếp xúc với các phần tử đã được tách ra khỏi nguồn điện nhưng vẫn còn tích điện
Biện pháp phòng tránh tai nạn điện giật phổ biến
Hiện nay ở các trường học, nhà ở thầy cô và ba mẹ đều trang bị cho mình những biện pháp hiệu quả nhất để giúp con mình tránh gặp phải tình trạng bị điện giật, một trong số những biện pháp hiệu quả nhất được áp dụng trong cuộc sống đó chính là:

· Phòng tránh là trên hết
– Hãy thiết kế dây điện âm tường hoặc dùng các ống luồn dây điện để các đường dây điện gọn gàng và tránh bị vật nuôi hay chuột cắn.
– Hãy sử dụng các nắp che ổ điện để ngăn bé chọc tay vào ổ điện.
– Hãy sử dụng các loại ổ cắm 3 chấu vì chấu thứ 3 của phích cắm/ổ cắm điện là chấu tiếp đất – giúp bảo vệ mạng sống của người dùng trong trường hợp điện bị rò rỉ.
– Hãy cất dây sạc điện thoại khi sạc xong để tránh trường hợp trẻ nghịch ngợm và cho đầu sạc vào mũi miệng.
– Không cho trẻ sử dụng máy sấy tóc hoặc các thiết bị điện tử khác trong phòng tắm.
– Hãy rút phích cắm điện các đồ điện tử trong trường hợp không sử dụng nữa.
– Luôn để mắt đến trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi 0-6 tuổi.
· Dạy trẻ các nguyên tắc an toàn điện
Ngoài việc chủ động phòng tránh tai nạn điện bằng cách thiết kế hệ thống điện an toàn trong gia đình, các bậc cha mẹ nên hướng dẫn trẻ những nguyên tắc an toàn điện dưới đây:
– Không cắm bất cứ vật gì vào ổ cắm điện vì có thể bị điện giật hoặc gây hỏa hoạn.
– Trẻ trên 6 tuổi, khi tự cắm điện/bật công tắc điện cần giữ tay thật khô và đi dép nhựa.
– Không được leo lên hàng rào quanh một trạm biến áp điện.( Nếu một quả bóng rơi vào trong, hoặc vật nuôi lạc vào trong hàng rào thì hãy nhờ người lớn giúp đỡ).
– Không thả diều gần đường dây điện hoặc trạm biến áp vì diều và dây điện có thể dẫn điện – gây điện giật.
– Không trèo lên cột điện hoặc trèo lên cây để lấy diều bị mắc kẹt ở trên cao.
– Nhìn kỹ đường dây điện phía trên trước khi trẻ quyết định leo lên một cái cây nào đó vì điện có thể truyền qua nhánh cây khiến trẻ bị giật.
– Không bao giờ đi gần một dây điện bị đứt, nhất là vào lúc trời mưa.

· Cách xử lý nhanh khi phát hiện trẻ bị điện giật
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ mới biết đi rất dễ bị điện giật khi cắn dây điện hay chọc các vật bằng kim loại vào ổ cắm… Trong trường hợp phát hiện trẻ bị điện giật cha mẹ cần:
– Ngắt nguồn điện trước khi chạm vào trẻ
– Nếu phải nhấc một sợi dây điện ra khỏi người trẻ, hãy dùng một cây khô, một tờ báo, quần áo dày hoặc một vật cứng, khô, không dẫn điện.
– Di chuyển trẻ càng ít càng tốt vì nếu điện giật quá nặng có thể gây ra nứt cột sống ở trẻ.
– Khi dòng điện tắt, hãy kiểm tra hơi thở, màu da và sự tỉnh táo của trẻ. Nếu trẻ bị bỏng hoặc không thở hoặc không có nhịp tim, hãy hô hấp nhân tạo ngay lập tức, đồng thời gọi cấp cứu.
Bài viết bên trên chúng tôi đã cung cấp cho thầy cô và bố mẹ tất tần tật những nguyên nhân và giải pháp để phòng tránh tai nạn điện giật ở học đường cho trẻ. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có được kinh nghiệm trong cách dạy và có được những phương pháp bảo vệ con mình an toàn nhất. Để những đứa bé được sống lành mạnh, ngay từ nhỏ hãy giáo dục và bảo vệ con bạn nhé!