5 trò chơi dân gian hấp dẫn cho trẻ mầm non

03/08/2020
Tác giả: Phạm Quốc Toàn

Thời buổi công nghệ hiện nay có rất nhiều trò chơi mới được ra đời nhưng hầu hết là những trò chơi điện tử mà trẻ em còn đi học mầm non nên tránh ánh sáng từ máy tính, điện thoại nhiều nhất có thể. Chính vì vậy, việc cho trẻ chơi những trò chơi dân gian không chỉ giúp cho rèn luyện trí óc mà còn giúp bé giải trí, vận động cơ thể ngoài trời rất tốt cho sức khỏe. Bài viết này được chúng tôi tổng hợp 5 trò chơi dân gian hấp dẫn cho trẻ mầm non mà bạn có thể tham khảo.

Trò “bịt mắt bắt dê”

Để chơi được trò này, trước hết cần “oẳn tù tì” hay làm bất cứ một việc gì có thể thỏa thuận để đưa ra một người bịt mắt đi tìm dê còn những người còn lại sẽ làm dê. Trò chơi này được chơi khá phổ biến và vẫn được chơi trong những chuyến dã ngoại nhóm bởi luật chơi khá đơn giản nhưng lại dễ có tình huống cao trào khiến người chơi thích thú.

Cách thứ nhất là người làm dê tạo thành một vòng tròn xung quanh người bịt mắt và phải luôn miệng kêu “be, be”. Công việc của người làm dê phải né tránh không để người bịt mắt bắt được nhưng người bịt mắt không ra được khỏi vòng tròn đó. Khi người bịt mắt bắt được ai thì người đó sẽ là người bịt mắt tiếp theo.

Cách chơi thứ hai khó hơn cách thứ nhất một chút. Phần đầu cũng chơi tương tự nhưng khi người bịt mắt bắt được dê, phải đoán xem dê đó là ai. Nếu đoán đúng thì người bịt mắt được về làm dê còn nếu đoán sai thì vẫn bị bịt mắt. Cách chơi thứ hai này vừa luyện được sự nhanh nhẹn mà còn tăng khả năng phán đoán cho trẻ.

Trò “rồng rắn lên mây”

Trò chơi này khá vui nhưng cần nhiều người chơi cùng một lúc. Sẽ có hai phe: phe thứ nhất là ông chủ và phe thứ hai là người bán hàng. Người bán hàng xếp thành một hàng nối đuôi nhau đi vòng quanh sân và hát vang: “rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, có cái nhà điểm binh, có ông chủ ở nhà không nào” . Người bán hàng đến đối diện với ông chủ và thực hiện hình thức trao đổi thông qua cuộc hội thoại sau:

Ông chủ: “cho xin khúc đầu?”

Cả nhóm: “xương xẩu”

Ông chủ: “cho xin khúc giữa”

Cả nhóm: “chả có gì ngon”

Ông chủ: “vậy còn khúc đuôi”

Cả nhóm: “tha hồ mà đuổi”

Khi đó ông chủ có thể đuổi theo hàng dài đó để bắt những người phía sau, bắt được người ở đâu thì cả khúc sau phải chịu thua hết. Trò chơi này đòi hỏi đầu óc và chân tay nhanh nhậy để phối hợp cùng một lúc khi bắt người và đòi hỏi người đầu tiên phải đủ to cao, khỏe mạnh và thông minh để bảo vệ cho những người đằng sau.

Trò “cá sấu lên bờ”

Đây là một trò chơi đơn giản luyện tập sự nhanh nhẹn ở trẻ. Người chơi kẻ vạch sẵn chia làm hai bên đều nhau, một người làm cá sấu ở dưới nước, người trên bờ có thể thò chân hay tay xuống để dụ cá sấu bắt. Khi cá sấu hoặc trọng tài hô “nước dâng” thì cá sấu có quyền lên bờ và đuổi bắt người trên bờ. Còn khi hô “nước cạn” thì cá sấu lại trở về khu vực của mình. Người bị bắt sẽ loại khỏi trò chơi. Trò này khá đơn giản và bạn có thể chơi trong không gian hẹp của căn phòng.

Trò “cướp cờ”

Luật chơi rất hay, để bắt đầu bạn chia trẻ thành hai đội chơi có số lượng thành viên bằng nhau và được đánh số thứ tự 1,2,3,4,… các bé phải tự nhớ số của mình. Phía xa sẽ là một vòng tròn có cắm cờ và đó là vạch đích của hai đội.

Khi trọng tài gọi tên số nào thì số đấy chạy lên cướp cờ ở vòng tròn phía xa. Ai cướp được cờ trước thì người đó thắng và ai để đối phương đụng ngã thì sẽ thua kể cả có cướp được cờ hay không. Trò chơi này có thể rèn luyện được cho bé sự nhanh nhẹn, khả năng phán đoán và sự khéo léo khi chơi.

Trò “nhảy bao bố”

Trò chơi này rất cần đến sự khéo léo hợp tác của đồng đội lẫn nhau. Người chơi chia làm 2 đến 3 đội, mỗi đội có số lượng người bằng nhau và mỗi đội có một ô hàng dọc để nhảy về đích.

Khi có hiệu lệnh bắt đầu, người đầu tiên đưa cả hai chân vào trong bao và giữ cho bao thẳng đứng vừa nhảy về phía người thứ hai, người thứ hai khi nhận được bao của người thứ nhất mới được tiếp tục thực hiện y như người thứ nhất. Cứ như vậy cho đến khi nào nhảy về đích thì đội đó thắng.

Đội nào xuất phát trước là đội đó phạm luật. Trong quá trình nhảy, tùy theo luật đưa ra mà người nào rời bao khỏi chân khi ngã có thể đứng dậy nhảy tiếp hoặc nhảy lại từ đầu phần của mình. Trò chơi này giúp các bé có thể giúp đỡ lẫn nhau, tăng sự nhanh nhẹn thông qua sức bật và giữ thăng bằng khi chơi. Chính vì vậy, trò chơi này không chỉ được chơi trong các trường mầm non mà hiện nay vẫn được người lớn chơi trong các dịp đi dã ngoại với bạn bè hoặc với gia đình.

Với 5 trò chơi dân gian hấp dẫn cho trẻ mầm non được chúng tôi chia sẻ ở trên, hy vọng các tiết học của trẻ trở lên thú vị hơn!

+84 0905 82 7707